Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Chuyên mục Kiến trúc Dinh Độc Lập qua câu chuyện ngôi nhà ba gian hai chái

Dinh Độc Lập qua câu chuyện ngôi nhà ba gian hai chái

Viết email In

Khoảng hơn mười năm về trước, khi bắt đầu luận văn tốt nghiệp thạc sĩ tại đại học Kiến trúc TP.HCM, tôi đề nghị với thầy tôi, PGS.TS.KTS Trương Quang Thao là sẽ chọn kiến trúc dân gian làm đề tài nghiên cứu “vì nó rất thú vị”. Thầy Trương Quang Thao đồng ý với tôi rằng, kiến trúc dân gian quả rất thú vị, tuy nhiên, để ứng dụng được cái “thú vị” ấy vào thực tế hiện nay thì không đơn giản chút nào vì phong cách sống và nhu cầu xã hội đã khác xưa rất nhiều.


Hồ nước phía trước đóng vai trò một bức “bình phong” cho mặt tiền dinh Độc Lập.

Vậy tại sao không lấy những hình mẫu thành công của những kinh nghiệm ứng dụng kiến trúc dân gian trong kiến trúc hiện đại để nghiên cứu? Và thầy gợi ý cho tôi về những công trình của KTS Ngô Viết Thụ. Nhắc đến KTS Ngô Viết Thụ có lẽ ai cũng nghĩ ngay đến dinh Độc Lập vốn là công trình để đời của ông. Vậy dinh Độc Lập có ứng dụng thành công kinh nghiệm của kiến trúc dân gian? Và cách thức ứng dụng như thế nào? Những câu hỏi đó có sức lôi cuốn đặc biệt và đem lại nguồn cảm hứng cho tôi, một sinh viên vừa rời ghế nhà trường.

Ba gian hai chái

Sống ở TP.HCM từ nhỏ, dinh Độc Lập có vẻ không xa lạ với tôi. Nhưng vào để quan sát, đo đạc, vẽ hình và ở lỳ trong dinh từ sáng đến tối cả thời gian dài thì có nhiều mới mẻ, thú vị.

Trên nền cũ của dinh Norodom, KTS Ngô Viết Thụ cùng cộng sự đã đưa ra một công trình kiến trúc hiện đại kết hợp bố cục truyền thống. Công trình toạ lạc trên diện tích 12ha, nằm giữa bốn con đường và đồng thời là điểm kết của đường Lê Duẩn. Vị thế này là thuận lợi hiếm có về khung cảnh và tầm nhìn.

Người tham quan có thể không nhận thấy những “ẩn dụ” trong tổ hợp khối công trình nếu không quen thuộc với chữ Nho, nhưng thực tế, từ các đường nét kiến trúc, không khó nhận ra điều này. Mái hiên của đại sảnh cùng bancông và mái của lầu Tứ phương tạo thành chữ “Tam”; ba gạch ngang trên được nối liền ở chính giữa bởi hai cột lớn thành chữ “Vương”; thêm một nét chấm của kỳ đài thành chữ “Chủ” hay chữ “Chúa”. Tầng trên cùng của dinh có mặt trước hình chữ nhật tượng trưng chữ “Khẩu”, cột cờ là nét sổ biến chữ Khẩu thành chữ “Trung”; cuối cùng, ở bốn hàng cột giữa, các mái đưa ra và cột ốp gỗ dưới sảnh tạo thành chữ “Hưng”.


Phần tiếp nối giữa “gian chính” và “chái nhà”. Góc nhìn dinh Độc Lập từ hướng tây, phần thân của chữ T.

Mặt bằng dinh gồm hai khối gắn kết vào nhau theo dạng chữ T. Khối trước mặt dinh được bố trí theo kiểu nhà cổ truyền ba gian hai chái. Ba “gian giữa” gồm 15 bước cột x 4m là khu vực chủ yếu dành cho lễ nghi và các hoạt động của nội các, gia đình tổng thống. Khu vực này có khối tích cao, rộng, hoành tráng, chiều cao của khối là 26m được chia làm ba tầng chính. Hai “chái” hai bên (mỗi bên gồm 3 bước cột x 4m) cùng chiều cao với khối chính, nhưng được chia thành sáu tầng (không kể hầm) dành cho nhân viên.

Tầng trệt của dinh Độc Lập thiết kế với quan điểm “thiên nhiên lồng vào công trình”, diện tích tiếp xúc và giao cảm của không gian kiến trúc với khoảng không, cây xanh, mặt nước được tận dụng hết mức có thể, thiên nhiên không ở bên ngoài mà như thể hiện thân trong công trình. Theo lời của KTS Lê Hùng, nguyên viện trưởng viện Thiết kế miền Nam thì KTS Ngô Viết Thụ rất ngưỡng mộ kiến trúc đời Lý – Trần vì chúng thông thoáng ở mức tối đa, và ông đã đem tinh thần này vào trong thiết kế của mình.

Cụ thể hơn, trước khi vào đại sảnh của dinh, ta phải đi qua một hồ sen phía trước. Không gian mặt nước này là sự chuyển tiếp tế nhị giữa cái nóng bức bên ngoài để đến với sự mát mẻ bên trong. Hơi lạnh của nước, vị mát của hoa sen, lá sen làm dịu đi phần nào cảm giác mệt mỏi của con người. Tiến vào đại sảnh là chúng ta bước vào tầng đầu tiên của không gian nghi lễ. Sảnh được giới hạn một cách ước lệ bởi hai mảng tường hai bên của phòng đại yến và phòng họp nội các, phía trước là cầu thang lớn bằng gỗ, nổi bật và trang trọng. Đại sảnh có khối tích không gian cao, rộng và thoáng đạt, trang trí đơn giản, cô đọng. Đứng trong sảnh ta mới nhận ra rằng chất liệu trang trí chính là ánh sáng và các “bức tranh” cắt cảnh từ phong cảnh thiên nhiên.

Bức rèm hoa đá


“Rèm hoa đá” nhìn từ bên trong với ánh sáng khuếch tán.

Bước vào cổng chính, ta không thể tiến thẳng vào dinh mà phải đi theo đường vòng cung quanh thảm cỏ hình ôvan phía trước. Cách tổ chức này theo đúng truyền thống Việt Nam trong đó thảm cỏ, hồ nước đóng vai trò “bình phong” cho toàn bộ công trình. Dừng lại trên đường vòng cung chếch 45 độ so với mặt trước, ta sẽ thấy dinh Độc Lập hiện ra với mặt tiền dài thăm thẳm, mất hút trong rừng cây phía sau. Theo KTS Ngô Viết Thụ, đây mới là mặt tiền đích thực của công trình cấu thành bởi các đường nét dọc, ngang gân guốc (tính dương) và các đường cong mềm mại (tính âm) của bức tường hoa phía trước mà ông gọi là “rèm hoa đá” phối hợp cân bằng. Theo ông, mặt đứng ở góc này phong phú và gợi cảm hơn góc nhìn từ cổng chính.

Lối vào theo hình ôvan cũng đem lại tầm nhìn nhiều chiều cho tác phẩm; chuỗi phối cảnh liên tục biến đổi khi ta tiến dọc theo lối vào này.

Ánh sáng là một yếu tố quan trọng đóng góp cho thành công của nội thất công trình. Dọc các hành lang rộng lớn hai bên các phòng, ánh sáng đổ bóng qua hệ cột và lam tạo ra nhịp điệu của không gian. Khoảng không gian này không đơn thuần đảm nhiệm chức năng lưu thông mà nó còn thu hút tầm nhìn của mắt người, đưa ra cho họ các chuỗi cảm nhận khác nhau về sự thay đổi của góc nhìn. Đó chính là vai trò của cái “hiên” quen thuộc trong ngôi nhà Việt Nam, nơi trung chuyển không gian trong và ngoài, thiết lập mối quan hệ mật thiết, chan hoà với cảnh quan.


Hiên rộng thoáng chạy dài tràn ngập ánh sáng như gợi nhớ tới hiên trong kiến trúc dân gian.

Phần chính mặt đứng của công trình được bao bọc bởi hệ lam – “rèm hoa đá”. Dinh Độc Lập có mặt đứng hướng về phía Đông bắc, là hướng khuất của ánh sáng trực tiếp của mặt trời từ hướng chính Đông. Hướng của dinh không thể thay đổi vì đó là điểm kết của trục đường Lê Duẩn. Vì vậy, để thu được ánh sáng tối đa vào công trình cần có biện pháp kỹ thuật hợp lý. Chính những ấn tượng, điều học hỏi từ thuở nhỏ đã giúp Ngô Viết Thụ nảy sinh ý tưởng từ bức cửa “bàn khoa” của các cung điện và nhà nghệ sĩ đã để tâm hồn mình rung động theo tư duy thẩm mỹ truyền thống. Người Việt ta sống với thiên nhiên, hoà quyện vào nó với tình cảm thân quen, gần gũi và mộc mạc nhưng cũng rất tinh tế. Thiên nhiên đến với họ qua những khoảng mở như cửa đi, cửa sổ ngang, những đoạn cổ diêm dọc mái… Ánh sáng được làm cho thanh khiết hơn, dịu dàng hơn nhờ những mái hiên, các sân thiên tỉnh, nhờ những con song tiện, những bức vách bằng tre nứa… Thứ ánh sáng tự nhiên nhẹ nhàng ấy tạo nên sự ấm cúng trong căn nhà.



Đó cũng là lý do để KTS Ngô Viết Thụ thiết kế bức rèm hoa đá cho mặt tiền dinh Độc Lập với ý thức dùng kỹ thuật hiện đại của phương Tây kết hợp tư duy thẩm mỹ truyền thống. Nó dễ dàng khiến người ta liên tưởng đến các hình tượng đa nghĩa khác nhau như con song tiện, chiếc độc bình hay các gióng trúc vốn là biểu trưng cho tính quân tử trong quan niệm của người phương Đông. Chúng đem lại cảm giác quen thuộc, đặc biệt với cách bố trí thành ba hàng và chia các khoảng không gian theo số lẻ (mỗi bước cột có 12 con song tiện xếp chồng lên nhau thành ba hàng, tạo thành chín cửa sáng). KTS Ngô Viết Thụ đã tự mình vẽ, hoàn thành việc tính toán kỹ thuật chiếu sáng để có thể tạo ra một hình thức hiệu quả đồng thời đáp ứng cho yêu cầu thẩm mỹ công trình mà ở bất cứ vị trí nào của mặt trời, không gian không bị hắt bóng mà ánh sáng được khuếch tán và phản chiếu nhiều lần khiến cho nội thất hừng sáng nhẹ nhàng cùng với luồng không khí toả vào từ bên ngoài. Nhờ thế, không gian hành lang trở nên thoáng hơn, rộng hơn và vẫn bừng sáng đến tận cuối buổi chiều.

Chuyển thể từ triết lý của ngôi nhà ba gian hai chái, KTS Ngô Viết Thụ đã thiết kế thành công một dinh Độc Lập hiện đại nhưng mang phong vị dung dị rất Việt Nam, thoát hẳn những ảnh hưởng sâu sắc của kiến trúc Pháp và hình ảnh của dinh Norodom trước đó. Với dinh Độc Lập, ông đã khắc hoạ được tư tưởng “kiến trúc và con người như một tiểu vũ trụ hài hoà trong một tổng hoà vũ trụ rộng lớn”.

Ths.KTS Trần Thị Thu Hằng - ảnh: minh@K

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo