Trong số hơn 200 ngôi nhà cổ nằm trong Khu Phố cổ Hà Nội phải giữ nguyên hiện trạng để bảo tồn, hóa ra nhà 87 Mã Mây lại… may mắn nhất. 10 năm sau khi hoàn thành việc tôn tạo (vào tháng 10/1999), địa chỉ 87 Mã Mây đã có mặt trong các cuốn cẩm nang du lịch, đón hàng vạn lượt du khách tham quan và là nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa. Trong khi đó, những ngôi nhà cổ khác nằm trên phố Hàng Bạc, Hàng Buồm… đang xuống cấp nghiêm trọng vẫn mòn mỏi chờ… bảo tồn, hoặc hoàn toàn biến mất…
Hiện tại, số nhà 87 Mã Mây mở cửa đón khách tham quan suốt 7 ngày trong tuần. Mấy năm gần đây, trung bình mỗi năm đón 18.000 - 20.000 lượt khách cả trong và ngoài nước. Đây cũng là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, như: triển lãm Nét Xuân (2004), tái hiện không gian Trung thu truyền thống… và sắp tới là lễ hội hưởng ứng ngày Di sản VN (23/11) và triển lãm 3 dòng tranh dân gian (vào dịp Tết Nguyên đán)… Mỗi năm, TP Hà Nội vẫn đều đặn rót tiền bảo dưỡng nhà 87 Mã Mây vì thực tế, sàn nhà, lối đi, cầu thang (bằng gỗ)… khó có thể chịu đựng được lượng lớn người đi lại hằng ngày như vậy. Giá trị lịch sử - văn hóa của nhà cổ 87 Mã Mây không còn gì để tranh cãi. Theo tài liệu của Ban Quản lý Phố cổ, ngôi nhà được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX theo kiểu kiến trúc truyền thống VN. Trước năm 1945, nhà được sử dụng để ở và bán hàng gạo. Sau năm 1945, ngôi nhà được bán lại cho một gia đình người Hoa ở và bán thuốc Bắc. Năm 1954, gia đình người Hoa này di cư vào Nam, để lại ngôi nhà dưới sự quản lý của nhà nước. Năm 1954, Sở Nhà đất bố trí cho 5 gia đình đến sinh sống tại đây. Sau khi được cải tạo thí điểm trong khuôn khổ dự án Bảo tồn, tôn tạo phố cổ Hà Nội, nhà 87 Mã Mây thuộc sự quản lý của UBND TP Hà Nội và là ngôi nhà mẫu truyền thống trong khu Phố cổ Hà Nội được bảo tồn tốt.
Nhìn nhà cổ 87 Mã Mây hiện nay, thật khó có thể hình dung được trong quá khứ, ngôi nhà từng bị biến dạng nghiêm trọng và hư hỏng nhiều do các gia đình tự ý xây dựng và lấn chiếm. Nhà 87 Mã Mây nay được giữ nguyên 2 nhà 2 tầng và cải tạo theo nguyên trạng, được làm lại kết cấu, họa tiết đã bị hư hỏng hoặc đã bị cải tạo, thang và phần sàn bê tông cốt thép được làm lại bằng ; các chi tiết, họa tiết thang gỗ, diềm mái cũng được làm lại theo hình thức của kiến trúc truyền thống. Trên giấy tờ, dự án bảo tồn, tôn tạo nhà cổ 87 Mã Mây được thực hiện từ tháng 5 - 10/1999. Tuy nhiên, các công việc được bắt đầu ngay từ năm 1996 khi Hà Nội mới vừa quyết định thành lập Ban Quản lý Phố cổ. Thậm chí trong số 5 hộ dân sinh sống ở ngôi nhà này, chỉ có 4 hộ tự nguyện di dời, 1 hộ còn lại buộc TP phải cưỡng chế.
Có 2 ngôi nhà cổ khác trong Khu Phố cổ cũng được đầu tư bảo tồn, tôn tạo là nhà 38 Hàng Đào và 51 Hàng Bạc. Khác với mô hình của 87 Mã Mây, nhà 38 Hàng Đào, nguyên là đình Đồng Lạc (đình chợ bán yếm lụa), được bảo tồn từ năm 2000. Đình Đồng Lạc vốn được xây dựng từ thời Lê (thế kỷ XVII) với quy mô rộng rãi nhưng do chiến tranh, đình bị phá huỷ. Khoảng năm 1856, ngôi đình này được trùng tu. Năm 1941, đình được xây dựng lại với quy mô hai tầng. Tầng một sử dụng để ở, điện thờ được đưa lên tầng hai. Trước và sau nhà có sân trồng cây. Hiện nay, tại 38 Hàng Đào còn giữ lại tấm bia đá cách đây hơn 150 năm tuổi và một số họa tiết trang trí. Ngôi nhà được cải tạo, bảo tồn từ đầu năm 2000 và khánh thành vào tháng 4/2000. Đây là nơi giới thiệu kỹ thuật xây dựng truyền thống, kết hợp kỹ thuật tôn tạo hiện đại cũng như những thông tin về bảo tồn, tôn tạo phố cổ. Tuy nhiên, hiện tại, 38 Hàng Đào được sử dụng làm trụ sở làm việc của Ban Quản lý Phố cổ HN là chính. Việc sử dụng di tích văn hóa làm trụ sở làm việc vẫn biết là vi phạm luật. Song các cơ quan chức năng vẫn chưa có cách giải quyết khác vì Ban Quản lý Phố cổ vẫn chưa thể có nơi làm việc mới cho tới khi trụ sở ở 128 Trần Nhật Duật chính thức khánh thành.
Năm 2003, nhà 51 Hàng Bạc được chọn thí điểm cải tạo kiến trúc nhà dân sinh trong khu bảo tồn. Sau khi nhà được cải tạo, người dân sẽ quay lại sống tại đây. Tuy nhiên, việc tham quan ngôi nhà rất hạn chế, vì hiện tại cũng có nhiều hộ gia đình đang sống ở cùng địa chỉ này.
Hơn 10 năm, việc bảo tồn, tôn tạo nhà cổ mới dừng ở con số 3 (với 3 kiểu bảo tồn khác nhau). Đến tháng 11/2008 này, ngôi nhà thứ 4 (trong danh sách báo động “đỏ” gồm hơn 200 nhà truyền thống phải giữ nguyên hiện trạng để bảo tồn) ở số 28 Hàng Buồm mới được… “đụng” tới. Địa chỉ này vốn là đình Quan Đế nổi tiếng ở phố Hàng Buồm xưa, nhưng nay di tích hoàn toàn biến dạng... Theo kế hoạch, công trình này sẽ khánh thành vào năm dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - HN. Sau khi được phục dựng, đây sẽ là Trung tâm Thông tin và Giao lưu Văn hóa Phố cổ.
Một cán bộ của Ban Quản lý Phố cổ cho biết, đáng buồn là, số di tích có trong danh sách “đỏ” đang biến mất từng ngày. Ví dụ tiêu biểu là Đình Trương Thị ở số 50 phố Hàng Bạc. Theo tư liệu, đình được xây dựng năm 1811, kiến trúc có mặt chạm khắc đẹp, thờ ông tổ trăm nghề và ông tổ nghề bạc. Có thời kỳ, địa chỉ này có đến 20 hộ dân sinh sống. Khi đình xuống cấp trầm trọng, những người dân đã bắt đầu phá dần đi để xây nhà riêng. Theo năm tháng, di tích này cũng… mất tích…
Hiện nay, trên địa bàn phường Hàng Buồm, Hàng Bạc… hiện tập trung khá nhiều di tích lịch sử văn hóa, nhưng có khi chỉ sau một thời gian ngắn, những cán bộ văn hóa bất lực thông báo rằng: di tích đã biến mất. Nhiều khách sạn cao tầng đã mọc lên ngay trong khu phố cổ. Ngay bên cạnh nhà cổ 87 Mã Mây hiện nay cũng là 1 khách sạn sang trọng cao nghễu nghện gần như sắp… nuốt chửng mất ngôi nhà di sản kia. Việc di tích biến mất diễn ra từng ngày. Tại quận Hoàn Kiếm hiện có khoảng 500 hộ dân, với gần 2000 nhân khẩu, đang sinh sống trong các di tích. Quá nửa số nhân khẩu này không có giấy tờ hợp pháp về quyền sử dụng. Dần dà, các di tích bị lấn chiếm, phá hủy, rồi cơi nới, xây mới. Và một ngày, di tích biến mất.
Chị Thu Thủy - cán bộ Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội - chia sẻ, hiện nay, Điều lệ quản lý Phố cổ, dù được xây dựng từ năm 2000 - 2001, nhưng vẫn chỉ có giá trị … tạm thời, bởi khu phố cổ chưa có quy hoạch chính thức. Trong cuộc hội thảo mới đây về bảo tồn khu phố cổ do Viện Bảo tồn Di tích (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) tổ chức, một nhà nghiên cứu văn hóa đã tỏ ra rất buồn khi nói rằng, Khu Phố cổ HN dù đã được công nhận Di tích quốc gia, nhưng bị... hạ một bậc. Vì trước kia Ban Quản lý Phố cổ thuộc TP quản lý, nay lãnh đạo TP giao cho UBND Quận Hoàn Kiếm. Trong khi đó, ví dụ như ở Nhật Bản, những di tích cấp quốc gia trực thuộc sự quản lý của chính phủ. Hiện nay, lộ trình xây dựng hồ sơ Khu Phố cổ HN để đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới đang được xây dựng. Chuyên gia của UNESCO cũng đã có mặt tại Hà Nội để giúp chúng ta xây dựng và thực hiện lộ trình này. Nhưng chỉ có điều, nhà cổ Hà Nội và những di tích phi vật thể trong khu vực phố cổ vẫn đang… kêu cứu!
- Khai thác giá trị sinh thái tự nhiên và nhân văn trong quy hoạch kiến trúc các resort biển
- Dự án các bệnh viện mới Birmingham PFI
- Nhà hàng Charm Cham - Galery Cuisine
- Dự án phục sinh thành phố cổ Seuthopolis
- Những kiệt tác kiến trúc bằng bùn đất
- Cần cái nhìn văn hoá làng trong phương hướng kiến trúc cho đô thị hoá nông thôn
- Ai thay đổi hình thức nhà thờ Giatô giáo?
- Sân vận động "Bức tường" - Doha, Quatar
- Snøhetta AS và công trình Oslo Opera - Na Uy
- Triangle - "Kim tự tháp Cheops" ở Paris