Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Bất động sản 10 đề cử chính thức danh hiệu “Nhà ở của Năm” tại Ashui Awards 2018

10 đề cử chính thức danh hiệu “Nhà ở của Năm” tại Ashui Awards 2018

Viết email In

Hệ thống giải thưởng thường niên của ngành Xây dựng tại Việt Nam – Ashui Awards sắp sửa hoàn thành giai đoạn bình chọn 9 danh hiệu của năm 2018 tại các hạng mục: Kiến trúc sư, Công trình, Nhà thầu, Chủ đầu tư, Hãng Kỹ thuật, Dự án Tương lai, Xây dựng Xanh, Nhà ở, Nội thất.

Giai đoạn bình chọn bắt đầu từ ngày 01/12 đến 0 giờ ngày 31/12 tại website http://ashui.com/awards. Kết quả sẽ được công bố rộng rãi vào ngày cuối cùng của năm 31/12/2018.

Chúng ta cùng chiêm ngưỡng 10 đề cử cho danh hiệu “Nhà ở của Năm” do nhãn hàng Dulux của tập đoàn AkzoNobel tài trợ dưới đây.

AgriNesture (Tổ ấm Nông nghiệp) / thiết kế: H&P Architects

Được đặt tên là Tổ ấm Nông nghiệp (Agriculture + Nesture), ngôi nhà ở Mạo Khê – Quảng Ninh bao gồm hai phần chính: phần khung và phần bao phủ có thể được sử dụng ở nhiều khu vực khác nhau như khu vực nông thôn, khu vực bị ngập lụt và khu vực thu nhập thấp tái định cư. Các cụm của những ngôi nhà này được sắp xếp theo nhiều cách khác nhau, tạo ra một khu vực dân cư yên bình đặc trưng bởi một không gian cho tất cả mọi người. Người dùng sẽ trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng ngôi nhà và họ sẽ chủ động phân chia không gian theo nhu cầu riêng của họ. Ngoài ra, họ cũng là những người sản xuất các vật liệu che phù hợp với điều kiện địa phương của họ. Theo nghĩa này, quá trình xây dựng sẽ giúp tạo việc làm, hình thành những ngôi nhà thúc đẩy phát triển nông nghiệp và mang lại sự cân bằng sinh thái cũng như sự ổn định kinh tế cho người dân ở những vùng dễ bị tổn thương.

Do đó, Tổ ấm Nông nghiệp sẽ là nơi hội tụ, tương tác và thích ứng với các mâu thuẫn địa phương khác nhau (tự nhiên so với nhân tạo, cư trú và nông nghiệp, cá nhân so với cộng đồng, vv), do đó cho phép nơi này không chỉ là không gian công cộng nhưng cũng là một nơi ở thực sự của con người. [chi tiết]

CH house / thiết kế: ODDO architects

Nhà CH House dựa trên các ngôi nhà ống cổ, truyền thống của miền Bắc (Hà Đông, Hà Nội). Ngôi nhà được chia ra nhiều gian và có sân trong. Mặt tiền của căn nhà được thiết kế với 3 lớp (triple façade). Lớp vỏ được thiết kế bằng gạch gió có lỗ hổng. Lớp trong cửa và vách kính khung sắt. Lớp giữa trồng cây xanh. Các lớp có chức năng chắn bụi, chắn tiếng ồn và che nắng. Những giếng trời và không gian xanh trong nhà giúp ánh sáng tiếp cận và vượt qua giới hạn ánh sáng do chiều sâu của nhà, và đồng thời cho phép luồng thông gió tự nhiên.

CH house có những không gian xanh trong nhà để những hoạt động thường ngày của các thành viên đều liên quan đến những không gian xanh và tạo cảm giác họ đang sinh sống trong môi trường có sự có mặt của thiên nhiên. Trồng cây xanh trong nhà và việc chăm sóc cây cũng là một phần giáo dục cho trẻ nhỏ. Dựa vào tinh thần truyền thống, CH house được thiết kế đề cao việc kết nối con người với con người. [chi tiết]

Cozy House / thiết kế: Hinzstudio

Mật độ xây dựng dày đặc, thiếu ánh sáng tự nhiên, không gian ngột ngạt và thiếu tính kết nối là đặc trưng dễ nhận thấy ở các công trình nhà phố tại Việt Nam. Đặc trưng này cũng chính là hình thái cũ của ngôi nhà mà chủ nhà từng ở. Một điều gì đó cần phải thay đổi, đó là tiếng nói chung đầu tiên giữ chủ nhà và kiến trúc sư, cho căn nhà tại thành phố Đà Nẵng này.

Từ mọi vị trí trong nhà, thậm chí là phòng ngủ, đều có thể cảm nhận được sự thay đổi của ánh sáng, không khí và gió trời. Vật liệu sử dụng chính là gạch trần và gỗ tự nhiên. Hình dáng mái và vật liệu sử dụng gợi nhớ đến hình ảnh những ngôi nhà ở miền thôn quê Việt Nam. Đây cũng chính là cảm hứng chính xuyên suốt của thiết kế. [chi tiết]

Long’s house / thiết kế: Thiên Nam Anh

Ngôi nhà có diện tích 25m2 này nằm trong một khu xóm lao động nghèo ven Kênh Đôi thuộc địa bàn Quận 08 – Đường Phạm Thế Hiển, thành phố Hồ Chí Minh. Hiện trạng ban đầu của ngôi nhà là một căn nhà tạm cấp bốn, xuống cấp về kết cấu, vệ sinh và chất lượng môi trường sống.

Không gian mở thông tầng vừa là nơi tiếp khách, sinh hoạt, vừa là nơi gia chủ thực hành việc vẽ tranh, sáng tác, cũng là nơi để nghỉ ngơi thường xuyên. Không gian gác lửng được dành cho tâm linh – nơi để bàn thờ phật và nghỉ ngơi ban đêm, một sự kết hợp hài hòa giữa đạo và đời trong nếp sinh hoạt hằng ngày. Không gian bếp và không gian vệ sinh đều được thiết kế thông thoáng bởi giếng trời nhỏ. Toàn bộ thiết kế đều dựa trên các quan điểm sử dụng vật liệu nhẹ, như khung thép tiền chế, tái sử dụng các kết cấu vẫn còn giá trị, khai thác tối đa vẻ đẹp tự nhiên của các loại gỗ pallet đã qua sử dụng, cũng như các loại gạch bông giá rẻ với kỹ thuật tạo đối lưu không khí hợp lý, trên cơ sở đó hình thành nên công năng và các giá trị thẩm mỹ của không gian kiến trúc. [chi tiết]

Memory hostel / thiết kế: Hinzstudio

Memory hostel (Đà Nẵng) lấy cảm hứng từ những hình ảnh nghệ thuật của văn hóa Chăm Pa kết hợp với những hình ảnh quen thuộc của Việt Nam thời kì Đông Dương. Vật liệu sử dụng đều là những vật liệu thô mộc và vật liệu tái chế, từ những ô bông sắt cũ cho đến những mảng tường gạch mộc và xi măng. Không gian mang tới cho du khách những trải nghiệm về văn hóa và lịch sử Việt Nam.

Với không gian nhỏ hẹp nhưng chứa hơn 40 du khách, các không gian và việc bày trí nội thất được tính toán để sử dụng tối ưu diện tích, nhưng vẫn đảm bảo ánh sáng và view cảnh quan trong từng không gian sử dụng bên trong. [chi tiết]

Nhà lưỡng cư thích ứng biến đổi khí hậu ĐBSCL / thiết kế: Việt Housing

Mùa lũ hàng năm gây ngập lụt hơn 60.000 hộ gia đình. Dự án nhà lưỡng cư ứng với khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long đang được xây dựng tại xã Thanh Mỹ, Huyện Tháp Mười, Đồng Tháp và nhân rộng trong tương lai.

Không gian linh hoạt, vật liệu thân thiện với môi trường, cửa gỗ lá xấp, giúp thông gió tự nhiên tốt với chi phí thấp, hài hòa với thiên nhiên. Căn nhà có thể nâng lên hạ xuống nhờ thủy lực (nước dâng), hệ thống trượt nổi đơn giản giúp cho căn nhà an toàn khi lũ dâng, tạo điều kiện sống tốt hơn cho người dân đồng bằng Sông Cửu Long. [chi tiết]

ONETEL Panorama / thiết kế: ONESTUDIO

Khu chung cư tại 35 Nguyễn Văn Tráng, phường Bến Thành, TP.HCM ra đời từ năm 1964, đã chứng kiến Sài Gòn bao đổi thay.

Ý tưởng “cấy” vào đây những “Chiếc hộp ở” là các phòng chất lượng tốt cho khách du lịch thuê để tạo ra mô hình hostel độc đáo: hostel trong lòng chung cư cũ. ONETEL Panorama khiến bộ mặt chung cư dân thay đổi, mảng xanh dần dần lan rộng ra toàn bộ mặt đứng và len lỏi trong các không gian làm sống dậy những không gian chung từng bị bỏ quên. Hoạt động như một cơ sở lưu trú với khách hàng chủ yếu là người trẻ năng động giúp đem lại một nguồn năng lượng mới cho toàn thể chung cư… Một dự án đơn giản nhưng chứa đựng câu chuyện ý nghĩa về Kiến trúc – Con người – Môi trường sống. [chi tiết]

T house / thiết kế: Creative Architects

T house (Bình Dương) được thiết kế cho một gia đình gồm ba thế hệ gồm có 6 thành viên gồm vợ chồng chủ nhà, hai đứa con, mẹ và em gái chủ nhà. Các kiến trúc sư đã tìm cách mở không gian nhất có thể, giảm vách ngăn,tạo sự kết nối cho tất cả không gian trong ngôi nhà bằng cách bố trí không gian riêng tư thành 2 khối đặc xen kẽ không gian chung là 2 khoảng xanh thông tầng. Nhờ đó,tăng tương tác Nghe – Nhìn – Trò chuyện của các thành viên trong gia đình, làm cho mọi người trở nên gần nhau hơn nhưngvẫn đảm bảo được các yếu tố cảnh quan, yếu tố thông gió, chiếu sáng cho toàn bộ ngôi nhà- giải pháp tự thân cho vấn đề tiết kiệm năng lượng.

Với mặt tiền nằm về hướng chính Tây. Toàn bộ mặt đứng chính của ngôi nhà được phân tách thành 7 mảng tường đặc nương theo địa thế của khu đất xây dựng, kết hợp với hệ kính lấy sáng, lam thông gió, hành lang, thông tầng. Chính nhờ giải pháp này mà ngôi nhà được đảm bảo thông gió và chiếu sáng tự nhiên, vừa cản bớt nhiệt nắng hướng Tây cho nhà. [chi tiết]

Thụy Khuê House / thiết kế: HGAA

Một ngôi nhà nhỏ ở Thụy Khuê – một khu dân cư đông đúc của Hà Nội, nơi tập trung rất nhiều con ngõ nhỏ, dài và chật hẹp. Môi trường sống ở đây luôn thiếu cây xanh và ánh sáng tự nhiên. Thiết kế của ngôi nhà là một nỗ lực để khắc phục tình trạng trên, đem lại môi trường sống gần gũi với thiên nhiên cho con người trong bối cảnh đô thị ngột ngạt.

Khu đất xây dựng là một mặt bằng có hình thù phức tạp không có mặt tiền, xung quanh là những ngôi nhà cao 4-5 tầng, chỉ có duy nhất một lối nhỏ 1,5m dẫn vào nhà. Giải pháp được đưa ra là tạo ra một khoảng thông tầng lớn ở trung tâm ngôi nhà, cao suốt 3 tầng nhà, chia làm 2 phần, 1 nửa là bên trong nhà và 1 nửa là bên ngoài nhà tạo nên một khoảng không lấy gió và ánh sáng cho ngôi nhà. Nơi này trở thành không gian thở của ngôi nhà, giúp kết nối mọi không gian trong ngôi nhà, từ đó các thành viên của gia đình luôn có thể giao tiếp được với nhau, giảm thiểu sự ngăn cách giữa các không gian, các tầng nhà với nhau, hạn chế tối đa những nhược điểm mà mô hình nhà ống mang lại. [chi tiết]

VH house / thiết kế: ODDO architects

Nhà VH house lấy cảm hứng từ nhà cổ của Hà Nội được thiết kế với nhiều sân vườn mở. Những khoảng trống mở tạo điều kiện cho luồng thông gió tự nhiên và cung cấp ánh sáng tự nhiên.

Trong thế giới hiện đại với nhịp sống bận rộn ngày nay con người đã bị rời xa thiên nhiên. Con người cũng như các động vật khác nguồn gốc từ thiên nhiên, nên chúng ta cần kết nối lại với thiên nhiên để tạo ra một mối quan hệ tích cực trong sự phát triển bền vững. Nhà VH house được thiết kế với nhiều không gian cây xanh. Trên mái nhà có 2 vườn xanh để trồng cây ăn quả và rau sạch. Ý tưởng công trình là trả lại gia đình một không gian vườn để trồng cây, và tạo ra không gian nghỉ dưỡng giữa một thành phố bận rộn. Việc duy trì, chăm sóc vườn hàng ngày sẽ là một phần giáo dục trẻ em để tạo ra mối quan hệ tốt giữa con người và thiên nhiên. [chi tiết]

(Theo Ashui Awards)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo