Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Bất động sản Nhà ở xã hội ngắc ngoải vì thiếu vốn

Nhà ở xã hội ngắc ngoải vì thiếu vốn

Viết email In

Hiện đang có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích xây dựng khoảng 8.435.000 mét vuông đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công do không có nguồn vốn để vay.  


Phối cảnh dự án nhà ở xã hội EHome S Nam Sài Gòn. 

Thiếu vốn, dự án đình trệ

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, để giải cứu việc “đói vốn”, Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Thủ tướng cho bổ sung thêm 3.000 tỉ đồng để thực hiện các dự án nhà ở xã hội đến năm 2020 nhằm “giải cứu” 206 dự án thiếu vốn. 

Đơn cử, một trong số 206 dự án mà Bộ Xây dựng điểm danh là Tổ hợp Nhà ở xã hội và Dịch vụ thương mại AZ Thăng Long (tên thương mại là Bright City) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long thuộc Công ty cổ phần Bất động sản AZ (AZ Land) làm chủ đầu tư. Dự án này nằm ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Việc dự án chậm bàn giao đã đẩy hơn 700 hộ gia đình ở đây vào cảnh hằng tháng phải trả cả lãi ngân hàng lẫn tiền thuê nhà. Chính vì thế, họ vừa có đơn kêu cứu gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng.

Theo tìm hiểu, dự án Tổ hợp Nhà ở xã hội và Dịch vụ thương mại AZ Thăng Long được phê duyệt triển khai nhà ở xã hội từ đầu năm 2014, nằm trong diện được vay gói 30.000 tỉ đồng dành cho người thu nhập thấp. Với quy mô bốn tòa nhà 35 tầng, cung cấp 1.496 căn hộ, sau khi đi vào hoạt động sẽ cung cấp chỗ ở cho khoảng 4.500 cư dân. Cuối năm 2014, chủ đầu tư và ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ vốn cho dự án theo gói 30.000 tỉ đồng và cho 100% khách hàng vay mua nhà. Không lâu sau đó, dự án được khởi công với cam kết bàn giao vào cuối năm 2017. Hợp đồng mua nhà cũng được ký kết với phương thức thanh toán chia thành 8 đợt. Thế nhưng, đến nay hạn cuối qua đã nửa năm nhưng dự án vẫn đang được xây dựng dang dở phần thô, sau đó gần như đắp chiếu.

Trước đó, cuối năm 2016, chủ đầu tư ra thông báo dừng thi công với lý do thiếu vốn. Đây cũng là thời điểm ngân hàng ngừng cho vay gói ưu đãi 30.000 tỉ đồng. Do đó, từ tháng 1-2017, để có nguồn lực triển khai tiếp dự án, chủ đầu tư cũng như người mua nhà phải nhận giải ngân từ ngân hàng với lãi suất thương mại. Theo tính toán, doanh nghiệp này vay hơn 300 tỉ đồng từ ngân hàng với lãi suất thương mại khoảng 12%/năm, đồng thời cố gắng thu xếp thêm khoảng 120 tỉ đồng để hoàn thiện các tòa nhà, bàn giao cho khách hàng.

Không chỉ chủ đầu tư khổ vì thiếu vốn mà khách hàng cũng lâm vào thế khó. Đa số người mua nhà tại đây có thu nhập thấp, phải vay mua nhà ở xã hội của ngân hàng từ 400-700 triệu đồng. Khi dự án chậm tiến độ, khách hàng vừa phải đi thuê nhà vừa phải trả tiền lãi ngân hàng, mỗi tháng trung bình từ 5-7 triệu đồng. “Cả tiền trả ngân hàng, sinh hoạt của gia đình tôi không tháng nào dưới 15 triệu đồng, chưa kể tiền thuê nhà và lãi vay”, anh Tuấn, người mua căn hộ tại Tổ hợp Nhà ở xã hội và Dịch vụ thương mại AZ Thăng Long, cho hay.

Không chỉ tại Hà Nội mà nhiều dự án nhà ở xã hội tại TPHCM lâm vào cảnh thiếu vốn, xây dựng đình trệ. Thực tế cho thấy, có doanh nghiệp tại TPHCM triển khai hàng chục dự án nhà ở xã hội trên cả nước nhưng khi gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỉ đồng bị dừng lại đã đồng loạt phải giãn tiến độ xây dựng. Thậm chí, có một số dự án chủ đầu tư đã chậm bàn giao căn hộ trong thời gian rất dài so với cam kết do doanh nghiệp thiếu tiền xây dựng. 


Khách hàng tìm hiểu thông tin đặt chỗ mua một dự án nhà ở xã hội tại TPHCM.
(Ảnh: K.M) 

Cần hơn 6.000 tỉ đồng “giải cứu”

Người đứng đầu Bộ Xây dựng chỉ ra hai nguyên nhân khiến các dự án nhà ở xã hội đang gặp khó. Trước tiên là do vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018-2020 chỉ có 1.262 tỉ đồng trên tổng số 9.000 tỉ đồng, mới đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó, riêng năm 2018 ngân hàng này chỉ được giao 500 tỉ đồng nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được giải ngân.

Theo quy định, với số vốn được giao 500 tỉ đồng thì Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ huy động thêm được 500 tỉ đồng nữa để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội và chỉ cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân (chủ đầu tư dự án không được vay nguồn vốn này). Trong khi đó, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội thì đến nay vẫn chưa được bố trí.

Bên cạnh đó, theo Bộ Xây dựng, chính quyền tại một số địa phương chưa quan tâm đến việc phát triển nhà ở xã hội. Chủ đầu tư cũng chưa chủ động đầu tư xây dựng loại nhà ở có diện tích nhỏ, giá thấp. Cơ cấu nguồn cung căn hộ nhà ở bị mất cân đối, các hộ nghèo, thu nhập thấp không đủ khả năng và điều kiện để cải thiện chỗ ở.

“Trong các nguyên nhân trên, việc không bố trí được nguồn vốn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là nguyên nhân chủ yếu”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói.

Theo Bộ Xây dựng, để đảm bảo mục tiêu phát triển nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020 phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp và công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Đồng thời, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đang triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ bổ sung vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội 3.000 tỉ đồng để thực hiện cho đến năm 2020. Bên cạnh đó, cấp cho các tổ chức tín dụng để bù lãi suất cho vay trong năm 2018 là 3.431 tỉ đồng. Như vậy, số vốn cần có lên đến hơn 6.000 tỉ đồng. 

Vướng mắc do “danh mục chi chưa cập nhật”

Được biết, Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đều “đồng ý cả hai tay” với kiến nghị nói trên của Bộ Xây dựng. Riêng HoREA trước giờ đã có tới tám văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc này. Thế nhưng, xem ra bài toán vẫn chưa có lời giải vì ngân sách cũng không biết tìm nguồn nào để chi.

Theo HoREA, Nhà nước chưa bố trí nguồn vốn từ ngân sách để thực hiện chính sách nhà ở xã hội vì nhiều lý do. Trong đó vướng mắc lớn nhất là “danh mục chi thực hiện chính sách nhà ở xã hội” chưa được cập nhật, bổ sung vào Nghị quyết số 1023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh mục được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Vì thế, trong Nghị quyết 1023 chưa có danh mục chi này để Chính phủ có căn cứ thực hiện.

HoREA cũng đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo sớm giải quyết kiến nghị của Bộ Xây dựng, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở xã hội trong giai đoạn 2018-2020. “Nhu cầu mua nhà ở xã hội vẫn rất lớn. Kiến nghị bổ sung tín dụng cho phân khúc nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng nếu được đáp ứng tôi nghĩ sẽ có nhiều dự án được xây dựng, giúp cho nhiều người có thu nhập thấp có cơ hội mua được nhà”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nói. 

Vĩnh Yên 

(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo