Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Bất động sản Xu hướng đầu tư bất động sản năm 2017: Phân khúc nào lên ngôi?

Xu hướng đầu tư bất động sản năm 2017: Phân khúc nào lên ngôi?

Viết email In

PGS. TS. Trần Kim Chung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, ở thời điểm hiện tại thị trường bất động sản vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, chiếm trên dưới 70%, điều này dẫn đến nhiều rủi ro. 

Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Thị trường bất động sản Việt Nam 2017: Xu hướng và dự báo” diễn ra mới đây tại Hà Nội, ông Chung đưa ra dẫn chứng, nguồn vốn cho thị trường bất động sản nằm ở: Thứ nhất là tín dụng ngân hàng, thứ hai nguồn vốn từ doanh nghiệp, thứ ba là nguồn vốn từ các nhà đầu tư tiềm năng, thứ tư là từ các nhà đầu tư nước ngoài trực tiếp và gián tiếp, năm là thị trường đầu ngành (chứng khoán), sáu là vốn từ đầu tư nước ngoài, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, bảy là các công cụ tài chính phái sinh.  


Thị trường bất động sản đang mở ra cơ hội đầu tư hấp dẫn 

Ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản vẫn đang phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng, điều này là bản chất của thị trường vì khi chưa có các công cụ tài chính phái sinh thì thị trường vẫn phụ thuộc vào ngân hàng. Điều đó dẫn đến 3 rủi ro: Thứ nhất là rủi ro lãi suất, thứ hai là rủi ro về hạn mức tín dụng, thứ ba là rủi ro về năng lực của bản thân khách hàng. 

Để tạo lập dòng vốn bền vững thì cần tài chính hoá, thứ nhất là tạo ra các quỹ đầu tư, đặc biệt là quỹ đầu tư tín thác, hai là hệ thống tái thế chấp, thứ ba là ngân hàng tiết kiệm tương hỗ, thứ tư là các quỹ bảo hiểm, quỹ tiết kiệm hưu trí, các công cụ tài chính khác” – ông Chung cho biết. 

Đầu tư vào đâu tránh rủi ro?

Ông Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group cho biết, trong 10 năm trở lại đây, ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, số lượng khách du lịch trong và ngoài nước đã tăng mạnh mẽ. Năm 2015, chúng ta đã đón 8 triệu du khách nước ngoài và 45 triệu khách nội địa.

Trong khi cả nước mới có khoảng 350.000 phòng khách sạn, tức là tỷ lệ điền đầy khoảng 41%, đây được đánh giá là một tỷ lệ tốt. Nếu xét ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp thì tỷ lệ này còn tốt hơn rất nhiều. Các thành phố du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc đều đạt tỷ lệ đến 71%. 

"Vì vậy bất động sản nghỉ dưỡng là một xu hướng tiềm năng của nước ta ở thời điểm hiện tại. Đối với loại hình đầu tư này, nhà đầu tư cần lưu ý ngoài việc thỏa mãn nhu cầu sử dụng cá nhân thì hiệu quả khai thác là một chỉ tiêu quan trọng. Hầu hết các chủ đầu tư lớn đều có cam kết về chỉ tiêu này (hiện nay khoảng từ 8 - 12% trong 5 - 10 năm đầu) và có những chủ đầu tư còn có ngân hàng bảo lãnh cho lời cam kết của mình ví dụ như Movenpick Cam Ranh.

Để hạn chế rủi ro trong bất động sản nghỉ dưỡng chúng ta cần phân tích phương án khai thác của chủ đầu tư (hệ số phòng bán, tỷ lệ điền đầy, nguồn khách từ đâu, chi phí vận hành…). Thương hiệu của nhà quản lý cũng như các cam kết của chủ đầu tư là một yếu tố cần thiết nhưng thường chỉ được trong thời gian ban đầu. Vì vậy khi quyết định đầu tư vào một sản phẩm, cần có sự phân tích của riêng mình hoặc có thể đến các chuyên gia tư vấn" - ông Hưng cho biết.

Ông Hưng chia sẻ thêm: “Muốn đầu tư loại hình nào khách hàng cần xác định loại hình đầu tư bất động sản để khai thác hoạt động hay đầu tư tài chính thuần túy. Nếu đầu tư bất động sản theo mục đích thu lợi nhuận từ việc tăng giá (tức là đầu tư tài chính thuần túy) thì phải phân tích theo từng dự án cụ thể và mỗi sản phẩm sẽ có những ưu thế cũng như rủi ro nhất định. Ví dụ như biệt thự và liền kề sẽ có khả năng tăng giá trong tương lai nhưng thanh khoản lại thấp mà tổng mức đầu tư lại cao. Căn hộ chung cư giá rẻ sẽ có mức đầu tư thấp và thanh khoản tốt nhưng lợi nhuận biên lại hạn chế”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, về bản chất, hoạt động đầu tư và kinh doanh nào cũng có rủi ro, ít rủi ro nhất có lẽ là đầu tư trái phiếu và gửi tiết kiệm ngân hàng. Nhìn chung mua vàng thì vàng đang giảm giá phải bán ra, gửi ngân hàng thì ngân hàng cũng đang giảm lãi suất. Trong khi đó bất động sản đang tăng trưởng ổn định. Do vậy cần cân nhắc những chi phí lợi ích thì nhà đầu tư tự quyết định. 

Cơ hội cho bất động sản Việt Nam

PGS. TS. Trần Kim Chung cũng chỉ rõ 3 yếu tố sẽ tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản năm 2017. Thứ nhất là phát triển kinh tế ổn định, năm 2017 được dự báo là phát triển kinh tế tốt hơn 2015, 2016.

Thứ hai là các bên liên quan của thị trường bất động sản đều đang có triển vọng rất tốt. Nợ xấu tiếp tục được xử lý rốt ráo, tín dụng đối với bất động sản được phép tăng trở lại, nguồn vốn trong dân bắt đầu mong muốn tham gia vào thị trường bất động sản.

Thứ ba là chính sách và các vấn đề liên quan đến quản lý Nhà nước, định hướng, hỗ trợ thị trường. Ví dụ như xử lý rốt ráo nợ xấu và các doanh nghiệp có khả năng phá sản thì cho phá sản, theo hướng minh bạch thị trường. 

Ở khía cạnh khác, TS. Trần Ngọc Quang – Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, với chính sách mở cửa cho người nước ngoài đầu tư bất động sản ở Việt Nam, cho đến hiện nay chính sách này đã tạo cho các nhà đầu tư nước ngoài tăng cường tìm hiểu thị trường bất động sản Việt Nam và đã cải thiện rất tốt cái nhìn của nhà đầu tư nước ngoài về môi trường đầu tư và thị trường bất động sản Việt Nam.

Tương lai nguồn cung trên thị trường đủ sức đáp ứng đủ nhu cầu của tất cả người nước ngoài đang sinh sống ở Việt Nam có nhu cầu về ở, cho thuê, mua để sở hữu, mua để cho thuê. Tuy nhiên, để chính sách này mang lại hiệu quả hơn nữa thì những văn bản quy định cụ thể cần phải được triển khai một cách tích cực và kịp thời hơn” – ông Quang cho biết.

Cũng theo ông Quang, tiến trình hội nhập quốc tế có sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như người nước ngoài vào Việt Nam sẽ làm tăng lượng khách nước ngoài, điều này đã góp phần tăng nhu cầu của thị trường.

Ông Quang khẳng định: “Khi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào thị trường bất động sản sẽ tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các nhà đầu tư trong nước. Điều này sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư trong nước phải nỗ lực vươn lên, nâng cao chất lượng sản phẩm, tính chuyên nghiệp. Khi hội nhập, nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ có cơ hội tăng lên, điều này góp phần tích cực trong việc hỗ trợ phát triển thị trường Việt Nam, giảm thiểu rủi ro khi quá phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng trong nước”. 

Linh Nhi 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo