Ashui.com

Saturday
Apr 20th
Home Chuyên mục Bất động sản Xuất khẩu bất động sản tại chỗ: Trong mong, ngoài ngóng

Xuất khẩu bất động sản tại chỗ: Trong mong, ngoài ngóng

Viết email In

Việc mở rộng điều kiện cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ thu hút thêm nguồn vốn ngoại, góp phần “Xuất khẩu bất động sản tại chỗ” nhưng câu hỏi đặt ra là: Thị trường bất động sản Việt Nam có thực sự hấp dẫn đối với người nước ngoài? 

Cùng với sự khởi sắc trở lại của thị trường bất động sản, các chủ đầu tư đang đặt khá nhiều kỳ vọng vào cú hích từ chính sách mới của Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực.  


Bất động sản Việt Nam vẫn có sức hút nhất định đối với người nước ngoài 

Theo số liệu của Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), đến cuối năm 2014, tức là 6 năm sau thí điểm, mới có hơn 780 người gồm cả Việt kiều và người nước ngoài sở hữu nhà tại Việt Nam. Trong số này, chưa đến 200 trường hợp là người nước ngoài, trên tổng số khoảng 80.000 người đang sinh sống và làm việc và chủ yếu đang thuê nhà ở. Rõ ràng, nhu cầu về sở hữu nhà ở của người nước ngoài là có thực tuy nhiên câu hỏi đặt ra là thị trường BĐS Việt Nam có thực sự hấp dẫn và nhu cầu có đủ lớn? Mặt khác cũng chưa có một cuộc khảo sát quy mô rộng nào về nhu cầu sở hữu BĐS của các tổ chức và cá nhân nước ngoài được công bố. 

Về cơ bản mở rộng đối tượng cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại VN sẽ tạo điều kiện để tăng tính thanh khoản cho thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh tồn kho bất động sản vẫn còn khá lớn nhưng cũng có hàng loạt vấn đề đặt ra đối với thị trường BĐS Việt Nam trong đó không thể không kể đến giá. Mặt bằng giá bất động sản ở VN hiện khá cao so với các nước trong khu vực, đặc biệt là tại Hà Nội và TP HCM, nơi tập trung lượng lớn người nước ngoài. Với tính thực dụng và tư duy thực tế thay vì sở hữu nhiều người nước ngoài sẽ tính đến phương án thuê như một bài toán kinh tế tối ưu.

Thứ hai là về sản phẩm, các DN kinh doanh phân phối bất động sản vẫn chủ yếu bán những sản phẩm mình có mà chưa tập trung nghiên cứu để nắm bắt nhu cầu về nhà ở riêng cho phân khúc khách hàng người nước ngoài cũng như các dịch vụ tiện ích đi cùng.

Tuy nhiên, điều khiến các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn cả đó chính là thủ tục hành chính, mặc dù luật đã cởi mở nhưng do môi trường đầu tư chưa thuận lợi có thể nhiều thủ tục sẽ mất nhiều thời gian và nhiều điểm khác biệt so với thông lệ quốc tế… Vấn đề này không chỉ đối với người nước ngoài mà hiện nay các khách hàng trong nước cũng thường than phiền.

Bản thân ông Đoàn Chí Thành, Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn cũng cho biết, người mua nhà ngoại quốc vẫn chưa phải là đối tượng hướng tới của DN tại thời điểm này, bởi, một phần do nguồn cung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước. Bên cạnh đó, ngay cả khi có chính sách mới tốt hơn thì người nước ngoài vẫn chọn thuê nhà hơn là mua. Vì vậy, người mua nhà nước ngoài sẽ không đủ sức để giúp thị trường nhà đất trong nước có thể sôi động hơn được. Chính sách mới chỉ mang tính khuyến khích để người nước ngoài yên tâm công tác nhiều hơn.

Phân tích như vậy để thấy rằng, quyền được mua nhà chỉ là điều kiện cần, chưa phải là điều kiện đủ. Mọi chính sách đều có độ trễ nhất là đối với một thị trường bất động sản chưa thực sự minh bạch, chuyên nghiệp sẽ tác động rất lớn đến quyết định của những người nước ngoài có ý định sở hữu nhà tại Việt Nam. Có thể, trong tương lai nhu cầu về nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ tăng khi mà chúng ta đã cải thiện được những hạn chế bất cập thậm chí là cả những yếu kém này. Do vậy, lúc này dù rất mong đợi nhưng các nhà đầu tư kinh doanh BĐS cũng không nên quá kỳ vọng ở một phân khúc hẹp để rơi vào cái bẫy của chính mình. 

Phan Nam 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo