Đất ngập nước ở đồng bằng sông Cửu Long đang bị thu hẹp

Thứ ba, 28 Tháng 12 2010 18:50 TBKTSG Năng lượng - Môi trường
In

Nguồn nước sông Mêkông đổ về đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang giảm dần, tác động xấu đến chất lượng đất nông nghiệp và hệ sinh thái ven biển, ảnh hưởng trầm trọng đến đời sống kinh tế và xã hội của người dân ĐBSCL. Đó là vấn đề được đưa ra trong hội thảo “Đất ngập nước ở đồng bằng sông Cửu Long” do Đại học Cần Thơ và Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế - IUCN, tổ chức tại Cần Thơ cuối tuần trước.

Những biến đổi hệ sinh thái và tác động đối với sản xuất nông - thủy sản

Theo TS. Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ, nguồn nước ở thượng nguồn sông Mêkông đổ về Việt Nam đang có xu thế giảm dần, mực nước lũ năm 2010 thấp hơn 10 năm trước 2,4 mét. Chất lượng nước đang xấu đi, lượng phù sa giảm, và ô nhiễm tăng. Động thái nước cũng thay đổi theo hướng đầu mùa lũ về chậm, cuối mùa lũ lại về muộn.

Do đó, năng suất lúa trong đê bao giảm dần. Cụ thể vụ đông xuân giảm 7,2-10,9 tạ/héc ta, vụ hè thu giảm bình quân 3,2-3,4 tạ/héc ta, trong khi lượng phân bón phải tăng bình quân 134 ki lô gam/héc ta. Nguồn cá tự nhiên trong 10 năm qua cũng giảm. Riêng ở An Giang, năm 2000 sản lượng cá đánh bắt tự nhiên là 90 tấn/năm, trong năm 2010 chỉ còn 40 tấn.

Về tài nguyên đất, TS. Lê Phát Quới, Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) Long An, cho biết do thiếu nguồn nước, không được cung cấp phù sa, đất đang bị thoái hóa nhanh. Đất xám trở thành đất bạc màu, tăng oxit hóa trên đất phèn. Đất bị nhiễm mặn tăng do nước biển dâng dẫn tới nguy cơ đình đốn trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, hai vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là vạt đất chạy dài giáp biên giới Campuchia thuộc các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, vì đây là vùng đất xám dễ bị bạc màu; và vùng ven biển các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau do ảnh hưởng xâm nhập mặn sẽ lấn sâu vào nội đồng.

ThS. Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia đất ngập nước (tổ chức WWF tại Việt Nam), cho biết trong 30 năm qua, nhiều diện tích rừng ngập mặn bị chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Rừng tràm tự nhiên mất đi thay vào là tràm trồng, dẫn đến rừng bị thu hẹp diện tích. Dải rừng phòng hộ ven biển bị “mỏng” dần là một trong những yếu tố dẫn đến hệ sinh thái ven biển thay đổi. ThS. Thiện cảnh báo các đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông có nguy cơ làm giảm lượng nước đổ về ĐBSCL. Đó là nguyên nhân làm giảm 75% lượng phù sa, kéo theo giảm lượng cá trắng từ 220.000-440.000 tấn/năm, giảm lượng chim nước do giảm nguồn thức ăn là cá trắng.

Ngoài ra còn xảy ra tình trạng gia tăng sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển do hiện tượng nước “đói”. TS. Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Hòa An, Đại học Cần Thơ, cảnh báo rằng đất ngập nước đang bị thu hẹp dần, tình trạng cá nuôi phát triển nhanh đang vô tình lấy đi nguồn protein tự nhiên của người nghèo. Bởi vì muốn có 1 ki lô gam cá nuôi phải mất đi 4 ki lô gam cá con là nguồn sống của hàng ngàn hộ dân vùng ngập nước từ xưa tới nay. Việc này cũng kéo theo hệ sinh thái mất cân bằng do thiếu nguồn cá con (cá trắng), lượng cá đen tự nhiên cũng giảm đi do mất nguồn thức ăn tự nhiên.

TS. Ni dự báo trong khoảng 10-20 năm nữa, nguồn dinh dưỡng trong hệ thống đất ngập nước sẽ suy giảm, năng suất thủy sản biển sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, thủy sản nước ngọt sút giảm đáng kể. Ngoài ra, bờ biển sẽ bị tác động của sóng biển gây sạt lở nghiêm trọng hơn, nguồn than bùn sẽ tiếp tục bị suy thoái, ranh giới mặn ngọt sẽ dịch chuyển nhanh theo hướng ăn sâu vào đất liền, dẫn tới ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp cả vùng trồng lúa và vườn cây ăn trái.

Những thách thức kinh tế - xã hội và chiến lược thích nghi

Các chuyên gia đã đưa ra những thách thức đối với ĐBSCL trước những thay đổi nêu trên. Đó là việc mất cân đối trong xã hội do phân hóa giàu nghèo. Do thiếu nguồn nước, đất bạc màu, điều kiện sinh sống giảm, người dân nông thôn sẽ kéo về thành thị kiếm sống, tạo áp lực di dân về các thành phố lớn.

Các đô thị sẽ chịu áp lực lớn về trật tự an toàn xã hội, công ăn việc làm, vấn nạn môi trường, nhu cầu giáo dục và y tế do di dân gia tăng kéo. Sau đó, do thiếu điều kiện phát triển, số dân di cư này sẽ quay lại nông thôn, ruộng đất không còn, họ sẽ bám vào tài nguyên quốc gia là rừng, biển, các khu bảo tồn... sống trong vòng luẩn quẩn đói - nghèo không lối thoát.

Các chuyên gia đã đặt vấn đề cần có chiến lược thích nghi với tình hình thay đổi nêu trên. Theo ThS. Thiện, Chính phủ cần có giải pháp ủng hộ các đề nghị hoãn xây dựng các đập thủy điện ở Lào và Campuchia trong thời gian 10 năm để có tìm hiểu thêm tác động của nó. Việt Nam là khách hàng mua điện từ các đập này nên có thể từ chối mua điện.

Theo ThS. Kỷ Quang Vinh, Sở KH-CN Cần Thơ, cần có giải pháp tích trữ nước mùa mưa để dùng cho mùa khô, bằng cách tận dụng các hồ chứa, xây dựng hệ thống kênh mương trữ nước. Nếu cả vùng ĐBSCL có được 2,5% tổng diện tích là nơi chứa nước thì có thể giải quyết được chuyện thiếu nước mùa khô.

Theo TS. Ni, cần có biện pháp chuyển đổi hệ thống canh tác cho vùng gặp rủi ro; nghiên cứu cách vận hành đê, cống có sẵn để tận dụng thời cơ sản xuất; tổ chức cộng đồng nhóm sản xuất chuyên nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân và nhất là tăng cường giáo dục dân trí để mỗi người dân biết cách thích nghi với biến đổi khí hậu. Và trên hết, chính quyền các cấp cùng với Chính phủ cần có chủ trương phù hợp với từng địa phương, từng vùng để sớm có giải pháp ứng phó với những thay đổi bất thường nêu trên, đặc biệt là trong xu thế biến đổi khí hậu đang diễn ra trên quy mô toàn cầu như hiện nay.

Đạt Thịnh


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn: