Đến thời điểm này, Đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (QHC Vĩnh Phúc), do Sở Xây dựng làm chủ đầu tư, Nikken Sekkei Civil Engineering LTD - Nhật Bản làm tư vấn, đã hoàn thành nội dung nghiên cứu, lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, ngành chức năng, báo cáo thẩm định và đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Một nội dung quan trọng được đề cập trong đồ án là thiết kế đô thị. Theo đó, trên cơ sở phân tích hiện trạng cảnh quan đô thị, hiện trạng địa hình, sử dụng đất, bố trí sử dụng đất trong tương lai, đồ án QHC Vĩnh Phúc thiết lập cấu trúc cảnh quan khu vực đất xây dựng đô thị thành các phân khu, trục và đầu mối…
(nguồn: Ashui.com)
Ở nội dung thiết kế đô thị, đồ án QHC Vĩnh Phúc chú trọng phát triển đô thị thích ứng với đặc điểm địa hình. Đối với vùng đồi, cảnh quan được hình thành mang nét đặc trưng địa hình đồi và môi trường tự nhiên trù phú, Vĩnh Phúc sẽ thực hiện “phát triển theo nhóm, cụm”, nhằm phát huy địa hình đồi núi có sự biến đổi phong phú, cố gắng tránh san nền ở đỉnh núi và hình thành mạng lưới cây xanh… Đồ án định hướng bảo tồn đất cây xanh hiện hữu (nhất là những cây đặc trưng, cây lâu năm), bảo tồn và bổ sung thêm chức năng điều hòa cho các hồ.
Đối với khu vực ruộng vườn bằng phẳng, cảnh quan được hình thành với ruộng vườn và kênh dẫn nước trải rộng, do ít giới hạn về địa hình, có thể phát triển đô thị với quy hoạch sử dụng đất có độ tự do cao và hiệu quả. Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng đến tính tiện ích và kinh tế, Vĩnh Phúc sẽ có nguy cơ dẫn đến việc sử dụng đất đơn điệu, không có đặc trưng. Do vậy, trong việc phát triển đô thị, đồ án QHC Vĩnh Phúc hướng đến sự hài hòa với môi trường ruộng vườn xung quanh, hình thành cảnh quan đô thị có đặc trưng riêng.
Cũng ở khu vực ruộng vườn bằng phẳng, Vĩnh Phúc sẽ hình thành đô thị trung tâm lấy hạt nhân là các điểm kết nối giao thông công cộng. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc sẽ bảo tồn các kênh dẫn nước nông nghiệp hiện hữu, phát triển các kênh làm không gian mặt nước để mọi người tận hưởng. Vĩnh Phúc sẽ hình thành không gian có sự hài hòa giữa nông thôn, đô thị và mặt nước.
Trường hợp khu vực ruộng vườn có các làng mạc hiện hữu, đồ án định hướng xây dựng lại đồng loạt, mở rộng đường, hướng tới cải tạo đô thị theo giai đoạn.
Đặc biệt, ở nội dung thiết kế đô thị, đồ án QHC Vĩnh Phúc đã đề cập đến sự phát triển đô thị ở những khu vực chính gồm trục không gian Bắc Nam, khu vực Đầm Vạc và vành đai xanh.
Cụ thể, trục không gian Bắc – Nam (trục tâm linh) sẽ nối kết các đầu mối như môi trường tự nhiên, hoạt động đô thị, sinh hoạt của người dân, là trục có các chức năng đa dạng như vành đai xanh, giao thông công cộng, trị thủy. Trục sẽ trở thành biểu tượng của tỉnh, được nhiều người đến, tạo sự giao lưu đa dạng, sầm uất.
Khu vực chính quan trọng thứ hai là Đầm Vạc. Xung quanh khu vực này sẽ bố trí các công trình thương mại – văn phòng, khách sạn, nhà ở nghỉ dưỡng, sân golf, công viên tổng hợp. Tòa nhà có tính tượng trưng, làm điểm nhấn sẽ xây dựng ở bờ hồ phía Bắc. Cầu qua hồ theo hướng Bắc Nam sẽ được xây dựng ở trung tâm hồ. Các công viên, quảng trường sẽ xây dựng dọc hồ đảm bảo tầm nhìn ra hồ, nhìn ra dãy núi Tam Đảo từ phía Nam của hồ.
Khu vực Đầm Vạc cũng sẽ được xây dựng đường dạo bộ ven mặt nước, hình thành không gian liên tục dành cho người đi bộ (đi xe đạp) đồng thời kết nối đường dạo bộ với trục tâm linh, đường cây xanh và hình thành mạng lưới không gian dành cho người đi bộ ở xung quanh hồ.
Thiết kế đô thị đặc biệt nhấn mạnh đến tổ chức không gian ngầm. Theo đó, các công trình sử dụng không gian ngầm được dự kiến là bãi đỗ xe ngầm, phố ngầm ở khu vực có mật độ công trình rất cao, khó có thể bảo đảm được không gian trên mặt đất và những nơi cần đảm bảo không gian mở, có yêu cầu sử dụng hiệu quả không gian ngầm… Không gian ngầm cũng sẽ được khai thác ở khu vực sẽ trở thành bộ mặt đô thị và là nơi có yêu cầu sử dụng đất cao, phát triển không gian hấp dẫn.
Đối với vành đai xanh, về cơ bản, đất cây xanh được cấu thành bởi những loại cây cao thấp khác nhau. Tuy nhiên, trong trường hợp vành đai xanh này giáp với đất ở hay đất công nghiệp, là nơi có nhu cầu sử dụng cao thì sẽ tiến hành xây dựng công viên hoặc đường đi bộ. Ở xung quanh khu vực đất xây dựng đô thị, Vĩnh Phúc bố trí vành đai xanh gắn kết với đất nông nghiệp, nông thôn. Chiều rộng của vành đai xanh dọc tuyến được thiết lập dựa theo hình thái đường và mục đích sử dụng đất ven đường. Vành đai xanh bao quanh ranh giới khu vực đất xây dựng đô thị được thiết lập chiều rộng từ 0,5 - 1km.
Vũ Vũ
- "Đô thị gọn chặt" và chiến lược phi tập trung hóa
- Bài toán hiện thực hoá quy hoạch
- Giao thông - cầu vượt và những cái "Cần"
- Triển vọng từ đô thị cảng Nam Sài Gòn
- TP.HCM: Đô thị vệ tinh trên giấy, cao ốc lấp đầy trung tâm
- Thành phố xanh
- Phương pháp giải quyết vấn nạn giao thông TP.HCM
- Chung sống với không gian "dị biệt"
- Đô thị "xốp"
- Vì sao Đà Nẵng không tắc đường?