Hội nghị Báo cáo lần 3 Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vừa diễn ra với sự tham dự của các chuyên gia đại diện các Hội nghề nghiệp, các Cục, Vụ chức năng của Bộ Xây dựng, Viện Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng đô thị và nông thôn - Bộ Xây dựng, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội và các chuyên gia của Liên danh tư vấn quốc tế PPJ (Perkin-Posco-Jina). Sau đó là buổi trình bày trước Ban chỉ đạo Quy hoạch và Đầu tư xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.
Ashui.com xin giới thiệu bài viết của tác giả Trần Huy Ánh, đại diện Hội Kiến trúc sư Hà Nội tham gia hội nghị.
Hà Nội là một tỉnh hay là một thành phố ?
Câu hỏi của một kiến trúc sư (KTS) đến từ trường Đại học kỹ thuật Darmstadt (CHLB Đức) đã làm tôi loay hoay không biết nói sao, đành phải khất lại : "cái này phụ thuộc vào bản QH do PPJ họ thể hiện thế nào"...
Hà Nội với 54 làng trong Thành phố năm 1953
Bản đồ "Hà Nội và vùng chung quanh" năm 1953 cho thấy TP nằm bên này sông Hồng với vùng nội thành khoanh đỏ theo một chỉ dụ năm 1888, và TP mở rộng lúc đó đã ôm trọn 54 làng quanh khu phố ca rô ngăn nắp. Suốt 40 năm sau đó, Hà Nội đã từng là tự hào bởi nét quyến rũ của đô thị phương Đông – nơi mà ranh giới giữa thành phố và làng quê tan nhoà vào nhau. Ngay sau lưng dãy nhà mặt phố dập dìu người xe là cái ao bèo trong veo và ruộng rau xanh ngắt nối đuôi nhau. Chả thế mà máy bay Mỹ bị bắn cháy trong phố nhưng lại rơi vào cái ao của làng Ngọc Hà, bây giờ vẫn còn đó làm bằng chứng. KTS Nguyễn Luận đã có một bài phân tích rất hay về làng trong phố, ông coi đó như một sự cân bằng hoàn hảo – nét đặc trưng rất Hà Nội giữa phần “Âm” - những ngôi làng yên ả hồn nhiên với phần “Dương" - nơi cái đường phố ầm ĩ náo nhiệt.
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã đi qua các chặng đường hình thành ý tưởng (báo cáo lần 1), đưa ra các phương án so sánh (báo cáo lần 2) để đi sâu vào các giải pháp kỹ thuật của phương án C – phương án đã tích hợp những ý tưởng tập trung nhất, hoá giải tốt nhất những tồn tại và cụ thể hoá các ý kiến đóng góp qua hàng chục lần hội thảo quy mô.
Các "thành phố làng quê" trong địa giới hành chính Hà Nội 2009
Phát triển từ TP trung tâm làm lõi, mở rộng sang bên kia sông Hồng: từ Đông Bắc quanh sân bay Nội Bài / Long Biên đến Tây Nam kẹp giữa sông Nhuệ / sông Đáy. Tách ra xa 20-30Km là Đô thị Hoà Lạc chức năng Đô thị đại học và công nghệ, trung tâm hành chính tương lai; Sơn Tây - Đô thị Du lịch nghỉ dưỡng; Mê Linh - Đô thị Công nghiệp và nông nghiệp kỹ thuật cao; Phú Xuyên - Đô thị công nghiệp và hậu cần tập trung... Các đô thị này độc lập và liên hệ với đô thị trung tâm, các đô thị với nhau và đô thị các tỉnh lân cận.
Phần còn lại là mầu xanh chủ đạo: vùng nông nghiệp kỹ thuật cao, sinh thái và các trung tâm dân cư, dịch vụ, hỗ trợ chế xuất.
Hà Nôi sẽ gồm đô thị và nông thôn, có cơ cấu kinh tế công nghiệp (CN tập trung với làng nghề phân tán), dịch vụ và nông nghiệp. Cho dù chưa xuất hiện mô hình nông nghiệp kỹ thuật cao, nhưng hành lang xanh rộng lớn nằm giữa các đô thị hứa hẹn vùng sinh thái tuần hoàn, đủ không gian hấp thụ chế xuất chất thải đô thị để sản xuất nông phẩm giá trị.
Như vậy Hà Nội bao gồm Thành phố Hà Nội và các Thành phố nằm trong địa giới hành chính mở rộng.
Sông hồ, mặt nước là tài nguyên giá trị của thành phố
Ấn tượng trong Báo cáo lần 3 là xác định vị trí sông Hồng là đặc điểm nổi bật của Hà Nội, ngoài ra hệ thống sông hồ, mặt nước được đánh giá là tài nguyên giá trị của thành phố. Bản vẽ đã thể hiện mạng lưới 9 con sông trong lòng Hà Nôi như những động mạch chủ trong cơ thể sống động. Bản thuyết minh dày 196 trang cũng dành một phần đáng kể để mô tả về sông hồ HN, trong đó chi tiết những lợi ích của sông hồ: từ vận tải thuỷ đến khả năng gia tăng giá trị không gian các khu tài chính kinh doanh, những đóng góp về không gian đô thị mở đến nơi giải trí hay liên hiệp thể thao.
Mạng lưới sông hồ Hà Nội ...
Để phát bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên nước, dự kiến dành ra 5-10% đất đô thị để làm hồ điều hoà (5.000-7.000Ha ?), gấp 10-15 lần mặt nước Hồ Tây. Sông Hồng, sông Nhuệ, sông Tích, sông Đáy, dãy đầm hồ Vân Trì, sông Cà Lồ, sông Thiếp, sông Đuống… được tô đậm với việc nạo vét, cải tạo, nâng cấp cảnh quan. Xây dựng mới và nâng cấp hệ thống kênh dẫn liên thông từ hồ Quan Sơn qua sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ để vượt qua đô thị Phú Xuyên nối với sông Hồng. "Thành phố sông hồ" đang hiện bóng dáng của mình trên bản Báo cáo lần 3.
... và Phưong án thoát nước trong tài liệu Báo cáo lần 3
Làm thế nào để mầu xanh tranh vẽ lan nhanh ra thực tế
... và Phưong án thoát nước trong tài liệu Báo cáo lần 3
Làm thế nào để mầu xanh tranh vẽ lan nhanh ra thực tế
Nếu như bản QH báo cáo lần 3 đã từng bước diễn đạt tương lai mong muốn của HN xanh sạch phát triển bền vững thì cũng xuất hiện những băn khoăn là bằng cách nào để đảm bảo những ý tưởng tốt đẹp ấy thành sự thực (?).
Sông Hồng đoạn qua HN cũ với 40 km đang được nghiên cứu độc lập sẽ được điều chỉnh ra sao trong tổng thể sông đi qua địa phận TP với chiều dài gấp 4 lần số đó. Và nếu có nghiên cứu 150 km thì liệu có thể tách rời một khúc trên tổng chiều dài 1149 km của sông Hồng để nghiên cứu hay không khi nguồn nước của sông nhận từ rất xa và nó còn tiếp tục chảy đi cũng rất xa. Thuyết minh mới dừng ở mức đánh giá tác động môi trường sơ bộ, chưa có phần đánh giá môi trường chiến lược, tác động biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến thuỷ văn, mặt nước của sông biển ra sao. Trận mưa lũ miền Trung vừa rồi cho thấy: những kế hoạch phát triển có huy hoàng đến mấy cũng trở thành vô nghĩa nếu không nghiên cứu thấu đáo các tình huống bất lợi, nhất là khi thiên nhiên đang diễn biến phức tạp.
Dù có diện tích mặt nước lớn bao nhiêu, có nhiều nước bao nhiêu mà nước bị ô nhiễm thì chỉ thêm nhiều tai hoạ. Phương án QH đưa ra các trạm xử lý nước thải (XLNT) tập trung cho từng đô thị cần cân nhắc. Sông Tô, sông Nhuệ đang biến thành cống nước thải lộ thiên khổng lồ, dẫn mùi hôi thối từ đầu nguồn về cuối nguồn rồi mới chui vào nhà máy XLNT đắt tiền (1 tỷ USD cho 7 nhà máy XLNT). Vậy nên chủ động nghiên cứu phương án XLNT tại nguồn - từng đơn vị ở, sản xuất phải XLNT hay thu gom mô hình bán tập trung rồi mới đổ ra sông hồ thì mới là giải pháp tối ưu cho một nước đang phát triển như Việt Nam và một TP chưa giàu có như Hà Nội.
Một thực tiễn nữa là dự án “Làm sống lại sông Đáy" đã từng nói nhiều từ 20 năm qua mà không làm được gì. Trong khi hai bờ sông Nhuệ, các dự án BĐS đã giới thiệu địa điểm đã kín đặc từ trước 2005. Mong rằng bản QH này chỉ ra vùng cấm xây dựng hai bên sông Nhuệ suốt cả dòng chảy. Người dân Thủ đô hân hoan đón chào 1000 năm Thăng long với hình ảnh “Hành lang xanh đôi bờ sông Nhuệ" trở thành hiện thực – cho dù chỉ trong bản vẽ!
Trần Huy Ánh
>>
>>
Tin mới hơn:
- Phát triển các khu đô thị mới: Nhìn từ công tác hoạch định chính sách
- Chữ “an” trong quy hoạch và phát triển đô thị
- Chủ nghĩa Đô Thị Xanh
- Quy hoạch cải tạo chỉnh trang công trình công cộng trong các đô thị cũ
- Tóm lược nội dung báo cáo lần 3 Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội
Tin cũ hơn:
- Không gian công cộng nhằm thay đổi Cuộc sống công cộng
- Bộ mặt đô thị: Xoay sao cho khéo?
- Mười năm phát triển đô thị và những giải pháp cho thời kỳ mới
- Đô thị Việt Nam phát triển theo mô hình mạng lưới
- Thực trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị